Chuối ngự Đại Hoàng – quả ngọt tiến Vua

Chuối ngự Đại Hoàng còn gọi là chuối tiến vua. Theo truyền thuyết, chuối ngự có danh thơm từ thời nhà Trần khi vua Trần ngự thuyền rồng từ kinh thành Thăng Long và yết kiến Thái Thượng Hoàng ở Phủ Thiên Trường (Nam Định). Dân các làng đổ ra mừng đón. Mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ ra dâng tiến vua. Có một đôi vợ chồng nông dân nghèo ở làng Đại hoàng vì không có vật gì dâng tiến nên rất lấy làm băn khoăn. May sao trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ xinh xắn đã chín, toả hương thơm ngát, họ bèn chặt hạ, đưa tiến vua với niềm cung kính mong được nhà Vua cảm thông. Trông thấy buồng chuối nhỏ nhưng rất đẹp, quả căng tròn, vàng óng, cuống xanh, đầu ruồi có 3 chiếc tua cong đẹp mắt lạ thường…vua cho gọi vào. Nhà Vua bèn nếm thử, thấy vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để cho thần dân của Ngài khắp nơi được cùng thưởng thức. Từ đó loại chuối này ở Đại Hoàng được mang tên Chuối Ngự, lưu truyền đến ngày nay và nổi tiếng khắp nơi.

Chuối Đại Hoàng có nhiều loại nhưng hai loại thường thấy là chuối ngự trâu và chuối ngự mít (còn gọi là chuối ngự thóc). Chuối ngự mít quả nhỏ và ăn ngon hơn, ruột chuối vàng như múi mít và đặc biệt khi chín vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng (do vậy cũng được gọi là chuối ngự tía). Chuối ngự trâu quả to, ăn nhạt, còn chuối ngự thóc quả nhỏ nhưng vỏ mỏng, ruột vàng ươm, ăn thơm và rất ngọt. Tuy nhiên giống chuối này nếu đưa trồng nơi khác Ngài làng Đại Hoàng quả cũng có hình dáng tương tự nhưng không có vị ngon và hương thơm của chuối Ngự. Chuối Ngự trở thành đặc sản duy nhất ở Đại Hoàng mới có.

Cây chuối ở đây được trồng vô cùng kỳ công. Từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới bắt đầu ra hoa kết trái. Để có được quả chuối chín vừa, thơm và ngọt nhất thì không chỉ cần đến cách trồng của bà con nơi đây mà công đoạn dấm chuối cũng rất quan trọng. Gia đình nào có cả vườn chuối thường phải xây vài ba cái lò dấm trong nhà. Lò dấm vách đất, chứa được khoảng mươi buồng, đủ nhiệt độ cho chuối chín mà không nẫu. Do thế, cứ đến mùa chuối chín, cả gian nhà sẽ nưng nức hương thơm từ chuối ngự. Và có lẽ, đó cũng là chút hương phảng phất của miền quê – nơi sinh ra nhà văn lừng danh Nam Cao…

Sáng ngày 19/5/2012, tại Ủy ban nhân dân xã Hòa Hậu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (đơn vị chủ trì thực hiện dự án: Xây dựng mô hình phát triển sản xuất và quản lý Chỉ dẫn Địa lý chuối Ngự Đại Hoàng) phối hợp với Hội Sản xuất và Tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng tổ chức lễ gắn tem nhãn chuối ngự Đại Hoàng nhằm quản lý và phát triển Chỉ dẫn Địa lý “Đại Hoàng” cho sản phẩm chuối Ngự của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích

Zalo

0979963659