Du khách thường nhắc đến giống chè cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái), Tà Sùa (Sơn La), chè Shan Tuyết (Hà Giang), nhưng còn một vùng chè cổ thụ khác có tuổi đời không kém: chè Chờ Lồng thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La).
Cao nguyên Mộc Châu nằm cách Hà Nội chừng 200km về phía Tấy Bắc, là huyện địa đầu của tỉnh Sơn La. Với độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Cây chè tuyết được người Pháp phát hiện ở Mộc Châu từ cuối thế kỷ XIX. Cây chè ở đây có sản lượng cao, khả năng chống hạn, chống rét và kháng sâu bệnh tốt. Chè tuyết Mộc Châu có búp to, nước chè màu xanh, vị đậm, có mùi thơm và thơm hậu, không gắt. Đây là loại chè có tỷ lệ đường, caffeine nhiều hơn so với các vùng khác.
Tại huyện Mộc Châu cây chè tuyết được trồng ở các xã Chờ Lồng, Tân Lập, Phiềng Luông, Đông Sang, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Chiềng Sơn, Tô Múa và thị trấn nông trường Mộc Châu. Hiện nay diện tích chè Shan tuyết của Mộc Châu có khoảng 2000 ha. Chất lượng chè tốt cộng với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp là những yếu tố cơ bản giúp cho diên tích chè tuyết ngày càng mở rộng và phát triển. Ở quy mô hộ, mỗi hộ đồng bào dân tộc H’ Mông, Thái, Kinh tại Mộc Châu có từ 500m2 đến 1 ha chè. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất lượng chè Shan tuyết Mộc Châu hiện nay đang trở nên cấp thiết. Nhiều cơ sở chế biến chè nhỏ lẻ, kỹ thuật chế biến không đảm bảo yêu cầu xuất hiện ngày càng nhiều, gây mất uy tín cho sản phẩm trên thị trường và ảnh hưởng không nhỏ tới người sản xuất.
Những cây chè cổ thụ ở đây không to nhiều người ôm, không có các nhánh đan cài vào nhau như suối Giàng, nó thường mọc thẳng và xòe các nhánh lên trên nhiều hơn. Nhưng điểm chung là lá chè to và xanh ngắt. Lá chè quanh năm ở trên núi cao, ngậm sương mù thành tuyết nên loại chè này còn được gọi là Shan Tuyết.
Vườn chè cổ thụ Chờ Lồng
Chè cổ thụ không chỉ lạ bởi cây to, lá mập, nó hấp dẫn bởi giá trị thực tế của mình: tỷ lệ đường, caffein nhiều hơn và tỷ lệ tananh (chất chát) ít hơn so với trà trồng ở các nơi khác, lại cho sản lượng cao, khả năng chống hạn, chống rét và phòng trừ sâu bệnh tốt. Bởi vậy, bà con người Thái, người Mông không bao giờ phải phun thuốc sâu. Trà hái về cũng được sao tay từng ít một. Chè thành phẩm rót ra có màu phớt vàng. Nhập ngụm đầu tiên chỉ thấy vị trà chan chát nhưng khi trà xuống đến họng thì người ta lại cảm nhận được vị ngọt đọng lại mãi nơi đầu lưỡi.
Thị trường tiêu thụ chè Shan Tuyết Mộc Châu rất đa dạng, trong đó 80% được xuất khẩu sang Trung Đông, Đông Âu và Đài Loan, 20% sản lượng còn lại được tiêu thụ trong nước.
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” đối với sản phẩm chè Shan tuyết, bao gồm cả chèn đen và chè xanh. Khu vực địa lý được bảo hộ theo Quyết định 1519 bao gồm các xã: Vân Hồ, Suối Bàng, Quy Hướng, Lóng Sập, Chiềng Sơn, Chiềng Khoa, Mường Sang, Tân Lập, Tô Múa, Chiềng Yên, Đông Sang, Chiềng Khừa, Phiêng Luông, Chiềng Hắc, Lóng Luông, thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.