Rượu cần

Ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này thì từ lâu rượu cần đã trở thành phong tục, một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống.

Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý. Nhiều dân tộc Tây Nguyên làm rượu bằng cách dùng nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào cho ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít, phơi khô – sau đó đem giã nhuyễn thành bột đem trộn với gạo. Cho một ít nước vào rồi nắm lại thành một nắm lớn bằng cái bát (chén), ủ cho đến khi lên mốc trắng là được. Khi đã lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ hơn. Tất cả cho vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché bằng lá chuối khô. Rượu ủ ba ngày là có thể dùng được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Việc trộn trấu đòi hỏi cũng cần có tay nghề vì trấu có tác dụng khi cắm cần vào ché rượu, cần rượu không bị tắc.

Trong một năm người đồng bào Ê-đê có khá nhiều lễ hội: Lễ ăn cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ thổi tai em bé, lễ mừng thọ… Nhằm chuẩn bị cho mùa lễ hội, từ trước đó rất lâu người Ê-đê đã làm rượu cần chưng cất trong nhà, chỉ chờ đến mùa lễ hội là mang ra sử dụng. Ở các buôn người đồng bào Ê-đê hầu như gia đình nào cũng có rượu cần. Ít nhất cũng vài ché, vài hũ, thậm chí nhiều gia đình có hàng chục ché, hàng chục hũ là chuyện bình thường.

Điều đặc biệt ở người đồng bào Ê-đê là họ chỉ dùng duy nhất một ống trúc thông ruột, chiều dài khoảng một mét để uống. Rượu cần được uống trong không gian của ngôi nhà dài, cột bên một cây cọc ở trong nhà nhô lên khỏi sàn nhà khoảng một mét, trên đầu cây được trang trí hoa văn. Khi uống rượu, gia chủ mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước, để chừng một giờ đồng hồ cho rượu ngấm. Nước đổ vào ché là thứ nước suối trong veo, ngọt sắc, cực kỳ mát lành được lấy từ dòng nước đầu nguồn của buôn làng. Sau khi đọc lời cầu khấnthần (Yàng) mong muốn thần sẽ mang đến sức khỏe, may mắn, tốt lành. Nữ gia chủ là người uống đầu tiên, sau đó đưa cần trao cho khách. Thường thường khách đỡ lấy cần rượu bằng hai tay, một tay cầm đầu cần, một tay cầm phần thân cần sát miệng ché, từ từ vuốt dọc lên rồi uống. Cần rượu cứ thế được chuyền từ tay người này đến người khác, cho đến khi tàn cuộc vui.

Trong khi uống rượu cần, một người dùng sừng trâu có đục lỗ (hoặc dùng cái ca) rót nước vào ché, còn phía bên kia là người uống. Có điều người đồng bào Ê-đê không bao giờ uống rượu cần một mình. Nếu gia đình nào quý khách thì gia chủ sắp xếp một người nữ rót nước, còn bình thường mọi người đã quen biết nhau từ trước thì không bắt buộc người nữ là người rót nước. Điều đặc biệt khi uống rượu cần người uống không được phép từ chối và phải mời mọi người xung quanh như là cách để thể hiện phép lịch sự. Có một số buôn làng người Ê-đê, trước khi uống rượu cần, người uống phải rót ra các ống tre nhỏ (hoặc ly) để sẵn giữa nhà để mời mọi người xung quanh. Bao nhiêu rượu được rót vào ống tre (hoặc ly) nghĩa là người đó có bao nhiêu con cái. Điều này cũng có nghĩa là thay cho lời giới thiệu về gia đình, con cái của người uống.

Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng. Tuy nhiên rượu cần ở mỗi gia đình có một mùi vị đặc trưng riêng, có tác dụng khác nhau. Có gia đình rượu cần làm ra có vị chua, vị ngọt, vị đắng hoặc vị nhạt. Khi người đồng bào Ê-đê xếp từng ché rượu cần uống đại trà thì xếp theo từng vị của rượu theo thứ tự ngọt, chua, đắng, nhạt… các vị rượu này sẽ giải vị cho nhau, nên mọi người có thể vui chơi, uống rượu thâu đêm mà không say, sáng dậy không hề bị đau đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích

Zalo

0979963659