Kể về những món ăn độc đáo từ thịt lợn của người vùng cao thì có rất nhiều, như thịt lợn thui, lợn nướng, lợn gác bếp… Trong đó không thể không kể đến thịt lợn muối chua, nó là món ăn dân dã nhưng độc đáo trong ẩm thực của dân tộc Mường mà chỉ ở Hòa Bình mới có.
Thịt lợn muối chua được chế biến khá đơn giản với những gia vị có sẵn trong vườn nhà như lá quế, lá mít, lá trầu không. Ngoài ra để miếng thịt lợn muối chua đúng hương vị của người Mường thì gia vị không thể thiếu đó là riềng, cơm rượu nếp và thật nhiều muối. Các loại gia vị trên phơi khô, giã nhỏ, cùng với rượu nếp cái ướp chung với thịt lợn nuôi thả sau đó cho vào hũ lớn, cách mỗi lớp thịt rải một lớp gạo rang. Công đoạn cuối cùng chỉ là ủ kín, gác trên bếp củi. Thịt được ủ từ 1 đến 2 tuần là có thể dùng được.
Thịt lợn muối chua có thể để rất lâu mà không mất mùi vị và cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như thịt lợn muối chua nướng, xào, rang… Thịt lợn muối chua có vị cay của ớt và giềng, vị thơm của quế, vị hơi chát của lá mít và lá trầu không, đặc biệt là vị chua hòa lẫn vị mặn của muối. Khi ăn thịt giòn và rắn, không còn cái béo ngấy của mỡ mà thay vào đó là vị chua chua, là lạ hòa quyện của các loại gia vị. Thịt lợn muối chua thường được ăn kèm với những loại lá rừng.
Thịt chua được dùng trong những bữa cơm của người Mường nhất là khi có khách quý. Thịt chua được ăn cùng lá sung, xạ đen, lá mít non, đinh lăng hoặc lá vả… Khi ăn, gắp từng miếng thịt vào lá rừng, cuốn lại và chấm nước mắm hay tương ớt. Cái vị chua chua, dai dai và đậm đà của thịt hòa cùng vị chát và bùi của lá rừng, hương thơm của giềng, thính gạo tạo cho món ăn hương vị thật độc đáo, khó quên.