Măng đắng

Măng đắng

Mỗi năm một lần, đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền tây xứ Nghệ lại vào vụ đi tìm măng đắng. Tuy mùa măng đắng kéo dài không lâu nhưng vào những ngày tháng 3 (đói giáp hạt), chính loài măng đó đã cứu bà con dân bản. Lâu dần, khi cuộc sống không còn phải lo cái đói, những mầm măng đắng ngày nào lại trở thành một đặc sản của núi rừng. Ở Nghệ An, khu vực miền tây có rất nhiều loài măng này, nhưng ở huyện Quế Phong, măng đắng được tôn vinh như một đặc sản riêng. Măng đắng là sản vật, cũng là món ăn phổ biến của đồng bào các dân tộc Thái, Mông… ở đây. Những mầm măng đầu mùa có vị ngọt pha đắng, nhưng chỉ hễ có tiếng sấm là chuyển sang vị đắng thuần tuý.


Mùa măng đắng được bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch kéo dài cho đến hết tháng 3, vào thời gian này, tiết trời se lạnh kèm theo những cơn mưa xuân báo hiệu một mùa măng bắt đầu. Trên địa bàn huyện Quế Phong, cây măng đắng có ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Tri Lễ và xã Thông Thụ. Những khóm Tre già xơ xác nhưng lại cho ra những mầm măng hết sức đặc biệt.

Không ai biết cây măng đắng có từ bao giờ. Gặp những bậc cao niên trong bản, nghe họ kể lại về câu chuyện măng đắng mới thấu hiểu được có thời gian chính cây măng này lại là nguồn sống của người dân nơi đây. Cây măng đắng trải qua thời gian dài đã trở nên thân thuộc với đồng bào nơi đây, vị đắng chát đã dần trở nên thân quen với từng bữa ăn của bà con. Theo người dân ở đây, măng gồm có 4 loại: măng đắng, măng giang, măng nứa và măng hốp là những loại có thể làm thức ăn của con người. Tuy nhiên, đứng đầu trong 4 loại đó là măng đắng, vì nó là sinh sôi sớm nhất trong năm. Mùa của măng đắng bắt đầu từ tháng Giêng kéo dài cho đến hết tháng 3. Loại măng đặc biệt này chỉ khi mọc lên khỏi mặt đất mới chuyển sang đắng chứ nếu mầm cây vẫn còn nằm trong lòng đất thì nó lại rất ngọt, có thể ăn sống được.

Có nhiều cách chế biến măng đắng, nhưng thông dụng nhất là luộc, chấm với chẻo. Theo thầy giáo Thảo, người xã Quế Sơn thì chỉ có cách pha chế chẻo của người Thái mới là hảo hạng. Cá sông phải tươi, hạt dầu, lạc, tất cả đều nướng lên giã quyện vào nhau, pha ít đường, một ít nước mắm, bột ngọt. Măng cho vào nước sôi một lúc, lấy ra bỏ vào nước sôi để nguội, lại bỏ ngay vào nước sôi, lại lấy ra cho vào nước sôi để nguội một lúc là được.


Từ ăn để no cái bụng, để tránh cái đói trước mắt, lâu dần người dân thấy lẫn trong vị đắng của măng là vị ngọt. Cũng theo người dân trong bản thì măng đắng có ở nhiều nơi nhưng ở km số 0, cửa khẩu Thông Thụ là loại măng đắng ăn ngon và ngọt nhất. Thế nên, mỗi mùa măng đến, người dân lại rục rịch chuẩn bị đồ nghề đi hái măng. Cả làng, cả bản ai ai cũng có thể hái loại măng này vì chỉ cần một con dao, chiếc gùi là có thể bắt đầu hành trình hái măng.


Để chọn được những mầm măng đắng ngon cũng được coi là một quá trình, so với những người có kinh nghiệm thì việc này không khó khăn gì. Anh Duy Thành trú tại thị trấn Kim Sơn cho biết: “Muốn chọn măng ngon, phải chọn mầm măng có bẹ ngoài còn trắng và to một chút. Tuyệt đối không chọn loại có bẹ màu xanh, mậm nhỏ và cao, vì loại này đã mọc thoát khỏi mặt đất rất đắng”.


Măng đắng mới ăn lần đầu cảm giác đắng không chịu được, nhưng càng nhai kĩ, vị đắng sẽ mất dần, thay vào đó, nếu nhẩn nha nhai là vị thoang thoảng ngọt, nhè nhẹ cay, rất lạ. Quý khách đến đây thưởng thức măng đắng sẽ thấu cảm được vị muối, vị ngọt kết tinh của rừng, và cao hơn hết là cái nhẹ nhàng, sâu lắng mà tinh tế của thiên nhiên.
                                                                                                                                                  Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích

Zalo

0979963659